Có lẽ ai theo dõi LMHT từ lâu cũng đều biết, Faker và SKT T1/T1 luôn được xem là "khắc tinh của LPL" ở các giải đấu quốc tế mà cụ thể là CKTG. Thậm chí, tại một giải đấu tưởng chừng như sẽ "dễ thở" khi các đại diện LPL đều có phong độ cao như tại Esports World Cup 2024 vừa qua, thì cả 2 đại diện đến từ LMHT xứ Trung đều bị T1 của Faker đánh bại.
Vì vậy, Faker không chỉ là vận động viên nước ngoài có số lượng người hâm mộ lớn nhất tại LPL, mà còn là vận động viên nước ngoài có số lượng anti fan đông đảo tại đây. Những người này thậm chí còn sử dụng những từ ngữ thô tục để chỉ trích Faker, đặc biệt sau những hành động gây tranh cãi của anh đã khiến Riot Hàn Quốc thắt chặt việc leo rank tài khoản trên máy chủ LCK cho người chơi không phải là quốc tịch Hàn Quốc.
Các anti fan có thể chỉ mỉa mai Faker và không ai để ý nhiều đến, nhưng nếu đến từ phía LPL thì mọi chuyện lại khác. Gần đây, trên trang Weibo cá nhân với hơn 2 triệu người theo dõi của LPL đã đăng một bài gây tranh cãi. Trong đó, họ sử dụng một từ ngữ mà các anti fan thường dùng khi nói xấu Faker bằng cách nhắm vào hoàn cảnh gia đình của anh (Faker lớn lên trong môi trường chỉ có bố và bà nuôi, không có người mẹ). Bài đăng này đã gây bức xúc trong cộng đồng LPL và fan LCK trên các nền tảng như X, Facebook hay Reddit ngay tức thì.
Theo một số ý kiến, việc đăng bài lên các mạng xã hội không chỉ được quyết định bởi một cá nhân mà là bởi nhiều người. Những từ ngữ nhạy cảm mà BTC LPL có thể không hiểu rõ nhưng vẫn chấp nhận đăng tải. Thậm chí, bài viết này đã được phê duyệt và duy trì trên trang web suốt 8 giờ, thu hút nhiều bình luận từ fan LPL và đến thời điểm hiện tại, bài viết vẫn được giữ nguyên.
Dĩ nhiên, bài viết vẫn đang thu hút sự tương tác lớn và được xem là một trong những bài đăng có lượt tương tác cao nhất trên trang Weibo của LPL. Tuy nhiên, nó lại mang tính tiêu cực và không tốt cho hình ảnh của giải đấu.
Trang 2 triệu follow của LPL gọi Faker bằng từ ngữ phản cảm, khán giả nhà cũng phản nổi.