Trong thời gian gần đây, các kênh truyền thông xã hội như YouTube, Facebook đã bị hacker tấn công, chiếm quyền kiểm soát tài khoản, thay đổi hình ảnh cá nhân, ảnh bìa và cả nội dung. Ví dụ như các kênh MixiGaming, Quang Linh Vlogs trên YouTube và kênh VTVMoney trên Facebook.
Dưới đây là 10 phương pháp mà bạn có thể sử dụng để bảo vệ kênh của mình trên các mạng xã hội khỏi hacker:
1. Sử dụng mật khẩu mạnh
Để bảo vệ tài khoản của bạn, hãy sử dụng mật khẩu dài, phức tạp và không dễ đoán. Mật khẩu nên bao gồm chữ thường, chữ in hoa, số và các ký tự đặc biệt như ví dụ: YT_$@191PasSwORk250&% (dành cho YouTube), FB_$@191PasSwORk250&% (dành cho Facebook), TT_$@191PasSwORk250&% (dành cho TikTok),...
Việc sử dụng mật khẩu phức tạp nhưng chỉ thay đổi chút ít các ký tự đầu sẽ giúp người dùng dễ nhớ hơn. Trong trường hợp lo lắng quên mật khẩu, người dùng có thể sử dụng tính năng lưu mật khẩu của Google Chrome hoặc Apple Safari. Tuy nhiên, không nên tin tưởng vào các dịch vụ, phần mềm quản lý mật khẩu của bên thứ ba không đáng tin cậy.
2. Xác minh hai yếu tố
Bật tính năng xác minh hai yếu tố (2FA) để tăng cường bảo mật. Tính năng này thường sử dụng mã OTP hoặc ứng dụng xác minh để đăng nhập. Nếu có thể, sử dụng một điện thoại riêng chỉ để nhận mã xác minh bước 2.
3. Cập nhật phần mềm và ứng dụng
Luôn luôn cập nhật phần mềm và ứng dụng lên phiên bản mới nhất để đảm bảo an toàn trước những lỗ hổng bảo mật đã được khắc phục.
4. Kiểm tra quyền truy cập
Đảm bảo chỉ cung cấp quyền truy cập cần thiết cho những người đáng tin và nên hạn chế. Đặc biệt là kiểm tra các ứng dụng bên thứ ba mà bạn đã cấp quyền truy cập đến tài khoản của mình.
5. Giám sát hoạt động không bình thường
Để phát hiện kịp thời các hoạt động đáng ngờ, bạn nên kiểm tra định kỳ các hoạt động trên tài khoản như đăng nhập từ địa điểm hoặc thiết bị không quen thuộc.
6. Thận trọng với các link, file lạ
Đã có rất nhiều trường hợp chủ kênh YouTube, Facebook bị mất tài khoản chỉ vì mở tập tin có chứa mã độc hoặc truy cập vào link giả mạo. Rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra về vấn đề này, đặc biệt là chủ kênh cần phải tự giác, cảnh giác trước các email, tập tin đính kèm có thể gây hại.
7. Dùng phần mềm bảo mật
Không có biện pháp bảo vệ nào là hoàn toàn an toàn, nhưng có tốt hơn là không có. Người dùng nên cài đặt một phần mềm bảo mật đáng tin cậy, kích hoạt chế độ bảo vệ theo thời gian thực và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu cho nó.
8. Kiểm soát kỹ mọi nội dung trên nền tảng
Mất kênh đôi khi cũng do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, thậm chí có những người xấu sẽ tấn công kênh trước khi thực hiện các hành động xâm phạm. Vì vậy, cần đảm bảo mọi nội dung trên kênh (bao gồm cả nội dung tạo ra và bình luận) đều đạt chuẩn.
9. Khai báo đủ thông tin và chính chủ
Không quên cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của chủ sở hữu kênh theo các trường thông tin mà dịch vụ cho phép, điều này sẽ giúp người dùng dễ dàng chứng minh và khôi phục lại tài khoản nếu xảy ra sự cố.
10. Dùng chế độ người tin cậy
Ví dụ, trên Facebook, người dùng có thể kết nối với những người tin cậy để yêu cầu xác nhận khi cần khôi phục tài khoản.