Theo thông tin từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Bộ Công an, trong tổng số 204/376 vụ cháy xảy ra trong tháng 4 (chiếm tỷ lệ 54,3% đã được điều tra làm rõ nguyên nhân), có 154 vụ là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (chiếm 75,5%).
Trên toàn cầu, nguy cơ cháy do hệ thống điều hòa luôn có mặt. Theo tổ chức Phòng cháy chữa cháy Quốc gia Mỹ, cháy do hệ thống điều hòa không khí gây thiệt hại trung bình 82 triệu USD, làm 140 người bị thương và 20 người thiệt mạng mỗi năm.
Dưới đây là những lý do thường gây ra sự cố cháy nổ cho hệ thống điều hòa không khí và biện pháp phòng ngừa.
Thiếu bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ
Cần bảo dưỡng điều hòa thường xuyên để đảm bảo hoạt động hiệu quả và an toàn. (Hình ảnh minh họa: HGTV)
Bảo dưỡng định kỳ hệ thống điều hòa giúp đảm bảo thiết bị luôn sạch sẽ và hoạt động hiệu quả. Nếu không bảo dưỡng định kỳ, bụi bẩn và mảnh vụn có thể tích tụ trong các bộ phận như cuộn coil, lỗ thông gió, lưới lọc và dàn tản nhiệt, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của hệ thống.
Các mảnh vụn tích tụ lâu ngày cần được vệ sinh định kỳ để tránh tình trạng khiến điều hòa bốc cháy do không khí không lưu thông qua thiết bị bị cản trở, gây ra quá nhiệt và có thể dẫn đến hỏa hoạn. Tần suất vệ sinh điều hòa gia đình được khuyến khích là 3-4 tháng/lần nếu sử dụng thường xuyên, liên tục và 1 năm 2 lần nếu sử dụng không thường xuyên, dưới 8 tiếng/ngày.
Sự cố về điện
Vấn đề về điện được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây cháy trong hệ thống điều hòa. Các căn nhà có hệ thống dây điện cũ thường có nguy cơ cháy nổ cao hơn vì dây điện cũ không đủ sức chịu đựng tải của các thiết bị điện hiện đại, có thể gây ra quá nhiệt và tiềm ẩn nguy cơ cháy. Ngoài ra, quá tải cũng là một nguyên nhân phổ biến gây cháy.
Sự không ổn định của dòng điện trong nhà cũng có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của tụ điện. Khi nguồn điện không đủ mạnh, tụ điện cần hoạt động liên tục, gây ra sự nóng lên và tăng nguy cơ cháy nổ. Ngược lại, khi nguồn điện quá mạnh, máy điều hòa có thể bị quá tải, cũng tạo ra nguy cơ cháy nổ ở máy điều hòa.
Bộ ổ cắm điện cũ hoặc bị lỗi, thiết bị cũ, dây điện bị sờn, ổ cắm lỏng hoặc hư hỏng có thể gây nguy cơ cháy điện. Việc kiểm tra định kỳ và thay thế hoặc sửa chữa ngay các bộ phận này là biện pháp an toàn quan trọng để phát hiện và khắc phục mối nguy tiềm ẩn.
Quá tải
Để tránh tình trạng quá tải trong mùa nóng, cần thiết phải lên kế hoạch sử dụng hiệu quả. (Ảnh minh họa: Smartprix)
Sử dụng điều hòa liên tục có thể dẫn đến quá tải hệ thống. Đặc biệt, khi dàn nóng hoạt động liên tục, lượng nhiệt sinh ra cũng tăng lên, do đó nguy cơ cháy nổ cũng cao hơn.
Ngoài ra, có nhiều người cho rằng việc đặt nhiệt độ điều hòa thấp sẽ làm mát phòng nhanh hơn. Thực tế, việc đặt nhiệt độ quá thấp gây chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong và ngoài phòng, gây quá tải cho hệ thống, đặc biệt là cục nóng của máy điều hòa. Quá nhiệt cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động tổng thể của hệ thống điều hòa, ngay cả khi không xảy ra sự cố cháy nổ.
Lắp đặt sai cách
Để đảm bảo hoạt động ổn định của điều hòa, việc sử dụng dịch vụ của chuyên gia và thợ lắp đặt, bảo trì là một biện pháp quan trọng. Việc tự lắp đặt hoặc thuê người không có kinh nghiệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây cháy nhưng lại tạo ra rủi ro không cần thiết. Việc lắp đặt cẩu thả, không đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề như rò rỉ, dây cách điện bị lỏng hoặc mối nối bị oxy hóa, từ đó gây ra đoản mạch hoặc nguy cơ phóng tia lửa điện.
Để đồ vật dễ cháy gần cục nóng
Những vật liệu dễ cháy như rèm cửa, giấy rác, bao bì, lá cây... không bao giờ được đặt gần bất kỳ thiết bị sưởi hoặc làm mát nào vì có nguy cơ gây cháy nổ. Để đảm bảo an toàn, cần đảm bảo khu vực xung quanh máy lạnh luôn thông thoáng, sạch sẽ, không bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp và thường xuyên thực hiện vệ sinh, bảo trì.