Theo The Paper, một dự án lừa đảo gắn liền với blockchain đang gia tăng với mục tiêu chủ yếu là những người cao tuổi tại Trung Quốc. Trong số đó, câu chuyện của bà Xiao Zhu, 60 tuổi, đang thu hút sự quan tâm. Theo lời kể của người cháu, vụ lừa đảo bắt đầu bằng việc tham gia một "hội thảo" và nhận được một món quà nhỏ. Người dẫn dắt hội thảo tự giới thiệu là giám đốc khu vực của một công ty uy tín. Họ còn mời nhiều người khác đến để chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực tài chính.
Những cá nhân này bắt đầu thảo luận về kiến thức kinh tế một cách nghiêm túc và tinh vi, tuyên bố rằng Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kinh tế số. Nhóm cũng đã cung cấp cho các thành viên tài liệu liên quan đến blockchain.
Bị hấp dẫn bởi những kiến thức tài chính mới, nhưng bà Xiao Zhu không sử dụng smartphone. Vì vậy, bà đã đưa tiền cho những người khác để họ đầu tư thay cho mình. "Mỗi ngày có thể khai thác được vài token, lúc nào giá tăng thì bán", bà nói với cháu. Với số vốn 30.000 nhân dân tệ (tương đương 105 triệu đồng), bà đã kiếm lời 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng). Sau khi thấy có lãi, bà quyết định rút hết tiền lương hưu để tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, không lâu sau đó, tài khoản của bà không còn khả năng rút nữa, và người nhận tiền gửi cũng không thể liên lạc được.
Theo các chuyên gia, thị trường ký quỹ này chủ yếu giống như trò "đánh trống chuyền hoa". Những người tham gia ban đầu có khả năng thu lợi, trong khi những người tham gia sau thường sẽ chịu thua lỗ.
Sau khi trải qua cú lừa đầu tư, bà Xiao Zhu lại bị lôi kéo mua NFT nhằm bù đắp cho số tiền đã mất. Lần này, bà quyết định vay thêm 250.000 nhân dân tệ để tham gia vào một tổ chức lớn hơn, nơi có hàng trăm người với cấp bậc phân chia rõ ràng. Những người tham gia trước đó đã khuyến khích những người mới tìm kiếm người lớn tuổi để thuyết phục họ đầu tư.
Theo Lanjinger, hình thức này đang ngày càng lan rộng tại các khu vực nông thôn. Một số người đã tiêu tốn tới 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ đồng).
Sau câu chuyện của bà Zhu, nhiều người trên mạng xã hội chia sẻ rằng cha mẹ họ đang nghiện "đào tiền ảo". Phần lớn trong số đó không biết Satoshi Nakamoto là ai, không phân biệt được tiền ảo, tiền mã hóa hay tiền điện tử của ngân hàng. Tuy nhiên, họ tin rằng số tiền ảo trong tài khoản của họ thực chất là Bitcoin và sẽ mang lại lợi nhuận trong tương lai. Họ được khuyên rằng tiền ảo sẽ trở nên phổ biến, và ai cũng có khả năng "kiếm tiền bằng cách tham gia".
Các cơ quan chức năng tại một số tỉnh như Phúc Kiến và Sơn Đông đã phát đi cảnh báo về các quỹ đầu tư tiền ảo không hợp pháp. Các chuyên gia cũng liên tục nhấn mạnh rằng đa phần các dự án mang danh blockchain như vậy thực chất không có giá trị và các token không được giao dịch trên những sàn chính thống. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo vẫn dùng chiêu trò "củ cà rốt treo trước mắt" để lôi kéo nạn nhân, tức là lợi nhuận tưởng như ở ngay trong tầm tay nhưng họ sẽ không bao giờ có cơ hội đạt được.
Nhiều kẻ gian lận theo mô hình đa cấp, thậm chí xuất hiện với hình thức tinh vi dưới danh nghĩa "chuyên gia blockchain", trong khi đó, những người cao tuổi thiếu kiến thức thường dễ dàng tin vào những kẻ xấu trá hình với vẻ ngoài công nghệ hiện đại. Mặc dù các nạn nhân có thể nhận ra và tố cáo, nhưng việc lấy lại tiền là rất khó khăn vì bọn lừa đảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch tẩu tán.