Trong tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã triển khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng tần số không dây, bao gồm băng tần cho mạng 4G và 5G. Gần đây, Bộ TT&TT đã công bố kết quả các phiên đấu giá với thông tin về nhà mạng chiến thắng và số tiền trúng thầu,...
Cụ thể:
Tập đoàn Viettel đã chi số tiền là 7.533.257.500.000 đồng để mua khối băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz) trong cuộc đấu giá.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - VinaPhone) đã chi ra số tiền là 2.581.892.500.000 đồng để mua khối băng tần C2 (3.700 - 3.800 MHz) thông qua đấu giá.
Trong số các khối băng tần, khối C3 (3.800 - 3.900 MHz) là duy nhất chỉ có 01 doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá trước. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 59 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, do không đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thể diễn ra.
Đây là lần đầu tiên sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua mà tổ chức đấu giá thành công. Việc đấu giá thành công lần này không chỉ khẳng định sự hiệu quả của Luật Tần số vô tuyến điện đã được sửa đổi và Nghị định số 63/2023/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống, mà còn cho thấy sự tham gia nghiêm túc của các doanh nghiệp và tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông báo rằng Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông đã thông báo về việc nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thông báo về phí, lệ phí tần số vô tuyến điện; phí cấp phép hoạt động viễn thông, phí quyền hoạt động viễn thông gửi các doanh nghiệp trúng đấu giá.
Sau khi các công ty đấu giá thành công và thanh toán tiền đấu giá theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp phép sử dụng băng tần theo quy định.