Cơ quan quản lý trò chơi trực tuyến của Trung Quốc vừa công bố một số quy định dự thảo nhằm giảm thời gian và số tiền người chơi chi tiêu vào trò chơi trực tuyến. Dự thảo quy tắc mới dành cho các trò chơi trực tuyến này đề xuất các nhà phát triển game loại bỏ các ưu đãi, nhằm thúc đẩy sự ám ảnh của người chơi với game, bao gồm cả việc cung cấp phần thưởng hàng ngày khi đăng nhập và khuyến nghị giới hạn số tiền người dùng có thể nạp vào trò chơi.
Dưới tác động của dự thảo quy định mới này, cổ phiếu của Tencent Holdings đã suy giảm 12%, tương đương với việc mất đi 46 tỷ USD giá trị thị trường. Đồng thời, NetEase cũng giảm đi 25%. Chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát hoạt động truy cập trên internet thông qua game và các phương tiện truyền thông khác, tiếp cận theo một hướng khác với Mỹ.
Kể từ khi trò chơi trực tuyến trở nên phổ biến cách đây nhiều thập kỷ, các nhà lập pháp trên toàn cầu đã bày tỏ lo ngại rằng các trò chơi này có thể gây nghiện và tăng cường bạo lực, đặc biệt là đối với đối tượng trẻ vị thành niên. Điều khác biệt là Trung Quốc đã sử dụng quyền lực của mình để thực hiện một số hành động nhằm giải quyết vấn đề chơi game, với nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của các biện pháp này.
Joost van Dreunen, Giám đốc điều hành của công ty phân tích trò chơi trực tuyến Aldora, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc, cũng như chính phủ Mỹ và châu Âu, đều có nghi ngờ lớn đối với trò chơi trực tuyến. Ở Trung Quốc, cách hành xử nghiêm khắc được coi là một biểu hiện của sự can thiệp trực tiếp đến game thủ và nhà phát triển game. Họ có khả năng thực hiện bất cứ hành động nào mà họ muốn".
Từ năm 2000 đến 2015, Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm bán các máy chơi game như Nintendo, PlayStation của Sony và Microsoft Xbox trong nước, dẫn đến việc thế hệ người Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với các dòng game console phổ biến. Các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã giải thích lý do của lệnh cấm, bao gồm lo ngại về việc trẻ em có thể phải đối mặt với nội dung bạo lực.
Trong bối cảnh sự phổ biến ngày càng tăng của trò chơi trên điện thoại thông minh, các biện pháp hạn chế từ cơ quan chính phủ Trung Quốc đã được thực thi. Vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hạn chế cấp phép cho trò chơi trực tuyến và năm 2019, quy định yêu cầu trẻ em và thanh thiếu niên chỉ được chơi trò chơi trực tuyến trong thời gian không vượt quá 90 phút mỗi ngày được ban hành.
Trong năm 2021, một phương tiện truyền thông nhà nước nước Trung Quốc đã thông tin về quy định thời gian chơi game trực tuyến đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Theo quy định mới này, nhóm tuổi này chỉ được phép chơi game trực tuyến từ 8 giờ tối đến 9 giờ tối vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ. Các trẻ em này cũng bị cấm chơi game từ thứ Hai đến thứ Năm và bắt buộc phải đăng ký bằng tên thật và có ID do chính phủ cấp để có thể chơi game.
Có chứng cứ xung đột về tính hiệu quả của các sáng kiến giới hạn thời gian chơi game. Theo công ty nghiên cứu Niko Partners, một cuộc khảo sát với 1.250 game thủ Trung Quốc tuổi teen năm ngoái đã cho thấy 77% người được hỏi đã giảm thời gian chơi game hàng tuần do các quy định mới có ảnh hưởng trực tiếp.
Vào tháng 8 năm 2023, một nghiên cứu được thực hiện bởi David Zendle, một nhà nghiên cứu tại Đại học New York, đã công bố trên tạp chí Nature Human Behavior rằng không có bằng chứng nào cho thấy các quy định về thời gian chơi game của Trung Quốc đã giảm mức độ nghiện game. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng việc xác định chính xác đối tượng trẻ vị thành niên chơi game trực tuyến vẫn là một thách thức, một phần là do việc người lớn chia sẻ ID với người khác và cho phép trẻ em chơi game vượt quá ngưỡng thời gian yêu cầu.
Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Nhà nước Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ tiến hành công khai thu thập ý kiến của công chúng về bản dự thảo các biện pháp quản lý trò chơi trực tuyến mà không giải thích lý do cho việc đề xuất này. Họ chỉ đơn giản nói rằng họ đang cố gắng tăng cường quản lý trò chơi trực tuyến và "bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên".
Theo ông Ivan Su, nhà phân tích của Morningstar, nếu các đề xuất này được thực hiện, có khả năng sẽ gây mất người dùng và doanh thu cho các công ty trò chơi. Điều này có thể buộc các nhà phát hành game thay đổi lớn về chiến lược của mình. Trung Quốc được biết đến là một thị trường game lớn, xếp thứ hai trên thế giới theo doanh số, chỉ sau Mỹ, thông tin này được công ty nghiên cứu thị trường game Newzoo xác nhận.