Mặc dù lịch sử trò chơi điện tử bắt đầu từ thập niên 1970, giai đoạn 1980 và đầu 1990 mới thường được xem là thời điểm ra mắt những trò chơi mang tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Các trò chơi đó đã tạo ra những cơ chế dần trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp, tạo ra các nhân vật trường tồn theo thời gian, hay thậm chí tạo ra cả một thể loại riêng. Một trong số đó chính là Doom với lối chơi "bắn súng đấu trường" độc đáo.
Ra mắt vào ngày 10 tháng 12 năm 1993, được phát triển bởi Id Software, Doom mang đến một cuộc cách mạng cho thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất, mở ra rất nhiều cái "lần đầu tiên" cho cả ngành công nghiệp. Tầm ảnh hưởng của Doom lên thế giới trò chơi điện tử là không thể xem nhẹ, và hơn 30 năm sau, lối chơi bắn súng đấu trường của nó vẫn được nhìn thấy trong huyết mạch của các trò chơi ra mắt ngày nay.
Quay về thời điểm 1992, khi Id Software ra mắt Wolfenstein 3D, trò chơi được xem là tiên phong trong thể loại FPS. 18 tháng sau đó, Doom ra mắt, và thể loại FPS trải qua một cuộc cách mạng hóa thật sự, trở thành những gì chúng ta đã biết ngày nay.
Hình ảnh kẻ thù chi tiết, chuyển động gài đạn và bắn súng mượt mà, cùng với một số công nghệ 3D mang tính cách mạng, Doom gần như đã đi trước thời đại trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Và như thể thành công của nó chưa đủ để bán game, Doom còn được phân phối thông qua phần mềm chia sẻ. Điều này đồng nghĩa người hâm mộ có thể sao chép và chia sẻ Doom với bạn bè mình, cho phép mọi người chơi chương đầu tiên hoàn toàn miễn phí. Động thái này đã giúp Doom có được một lượng game thủ khổng lồ, nhanh chóng trở thành hiện tượng ở phương Tây.
Dĩ nhiên khi cái gì trở nên quá thành công, các bản sao sẽ sớm xuất hiện, cố gắng "vay mượn" công thức lối chơi chung của Doom và phong cách thiết kế 3D. Điều thú vị nhất của những "bản sao" này là chúng không chỉ sao chép thuần túy phong cách bắn súng đấu trường nguyên gốc do Id Software nghĩ ra, mà thay vào đó bổ sung thêm những tính năng độc đáo, và tinh chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hay cốt truyện mới. Qua thời gian, các bản sao này chỉ được biết đến là những trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất, và cứ như thế, một thể loại game mới đã ra đời.
Ngày nay, công thức chơi bắn súng đấu trường của Doom vẫn còn được nhìn thấy trong phần lớn các game FPS, đi kèm những sự tinh chỉnh và thay đổi nhất định. Ví dụ lớn nhất và rõ ràng nhất chắc chắn là loạt game Doom phiên bản tái khởi động, bắt đầu với Doom 2016 và nối tiếp bằng Doom Eternal vào năm 2020. Mặc dù những thẻ khóa được mã hóa bằng màu sắc có thể không tồn tại, lối chơi của Doom 2016 với Doom Eternal về cơ bản đã được hiện đại hóa từ công thức dòng game Doom gốc. Mỗi màn chơi tung ra một số lượng quái nhất định để người chơi tiêu diệt hết tất cả trước khi tiếp tục.
Và không chỉ loạt game Doom bản tái khởi động mang theo những tinh túy của phiên bản gốc năm 1993. Thương hiệu Wolfenstein do MachineGames thực hiện rõ ràng cũng được lấy cảm hứng từ trò chơi này, khi mỗi phân đoạn đều thiết kế gần giống như một kiểu đấu trường, với vô số kẻ thù ập vào để người chơi tiêu diệt. Ví dụ gần đây nhất của lối chơi vòng lặp trong Doom là Immortals of Aveum của Ascendant Studios, với một chút yếu tố ma thuật huyền ảo dành cho công thức đã tồn tại hơn 30 năm.
Tuy không thể ngay lập tức nhận ra, nhưng rõ ràng huyết mạch của dòng game Doom vẫn đang tồn tại trong thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất, và nó sẽ mãi là một trong những game có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại.