WASP-107b là một trong các hành tinh trong hệ sao WASP-107, cách Trái Đất 212 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Xử Nữ.
Các nhà khoa học đặt cho nó các tên gọi khác nhau như "hành tinh kẹo ngọt" hoặc "hành tinh phồng lên".
Nguyên nhân WASP-107b được gọi là "hành tinh bông gòn" là vì nó có cấu trúc giống như bông gòn.
Dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về ngoại hành tinh của NASA cho thấy rằng thế giới kỳ lạ này có mật độ khoảng 0,19 - 0,202 g/cm3, trong khi mật độ của Trái Đất là 5,51 g/cm3.
WASP-107b có bán kính nhỏ hơn Sao Mộc một chút, chỉ bằng 0,94 lần bán kính Sao Mộc. Tuy nhiên, nó nặng hơn Trái Đất khoảng 30 lần. Sao Mộc - một hành tinh khí với mật độ thấp hơn hành tinh đá - vẫn nặng hơn Trái Đất 318 lần.
Các kiến thức về quá trình hình thành hành tinh ở quá khứ không thể giải thích được việc một hành tinh lớn nhưng rất nhẹ lại có thể hình thành.
Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi TS. David K. Sing từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã thành công trong việc giải mã bí ẩn này trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Dựa vào bán kính, khối lượng, tuổi và nhiệt độ bên trong giả định, họ tin rằng hành tinh WASP-107b có lõi đá rất nhỏ được bao quanh bởi một lớp hydro và heli lớn.
Tuy nhiên, không thể hiểu được làm sao một lõi nhỏ như vậy có thể hút được nhiều khí đến như vậy. Ngược lại, nếu lõi lớn thì khi hành tinh dần nguội, bầu khí quyển của nó lẽ ra phải bị co lại.
Bằng việc kết hợp quan sát từ Camera cận hồng ngoại (NIRCam) và Thiết bị hồng ngoại trung bình (MIRI) của James Webb cùng với Camera trường rộng 3 (WFC3) của Hubble, hai trạm viễn vọng không gian mạnh nhất hiện nay, họ đã đo được hàm lượng của vô số phân tử trong bầu khí quyển WASP-107b.
Các phân tử này bao gồm hơi nước, methane, carbon dioxide, carbon monoxide, sulfur dioxide và amoniac.
Cả hai dải phổ từ telescopo Hubble và James Webb đều cho thấy sự thiếu hụt khí methane đáng ngạc nhiên trong bầu khí quyển của WASP-107b: Một phần ngàn lượng dự kiến dựa trên nhiệt độ của nó là 500 độ C.
Chỉ có một lời giải thích duy nhất: Dù có nhiệt độ bề mặt rất "mát" so với các hành tinh trong nhóm "Sao Mộc nóng" khác, hành tinh kẹo bông này lại có lõi rất nóng, do methane không ổn định ở nhiệt độ cao.
Nguyên nhân của sức nóng tồn tại bên trong có thể đến từ hiện tượng thủy triều nổi lên do hình dạng elip của hành tinh. Sức hấp dẫn của sao mẹ thay đổi khi hành tinh di chuyển xa hoặc gần, làm căng hành tinh và tạo ra hiện tượng này.
Sau khi xác định được rằng hành tinh này có đủ nhiệt bên trong để kích thích hoàn toàn bầu khí quyển, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng phổ quang cũng có thể cung cấp một phương pháp mới để ước lượng kích thước của lõi.
Kết quả cho thấy rằng lõi của hành tinh này lớn gấp đôi so với ước lượng ban đầu. Lõi lớn hơn và luôn nóng là nguyên nhân khiến hành tinh này có lớp vỏ khí rất dày và duy trì được trạng thái "kẹo bông" qua thời gian.
Nói một cách khác, nó là một phiên bản năng động hơn của Sao Hải Vương chứ không phải Sao Mộc.