Trong vài năm trở lại đây, vấn đề về tính "chính thống" của Steam tại Việt Nam đã trở thành đề tài được nhiều người quan tâm trên truyền thông, mạng xã hội và các hội nhóm game thủ.
Theo thông tin từ Vietnamnet, rất nhiều nhà phát hành trong nước cho rằng "họ đang bị đối xử không công bằng khi nền tảng Steam đang phát hành hơn 100.000 game không phép phiên bản máy tính (PC) vào thị trường Việt Nam."
Steam đang phát hành các trò chơi một cách tự do tại Việt Nam, bao gồm cả các trò chơi bạo lực và dành cho người lớn mà không cần phải xin phép. Điều này được cho là không công bằng với các nhà phát hành game trong nước. Đại diện của một nhà phát hành game cho biết rằng điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải áp dụng các biện pháp quản lý đối với nền tảng này vượt biên giới, nếu không, các nhà phát hành game trong nước sẽ gặp khó khăn.
- Theo Vietnamnet -
Sự thực đã được chứng minh, quan điểm của các nhà phát hành Việt Nam là đúng, đặc biệt là khi xem xét từ quan điểm pháp lý. Tóm lại, Steam không có bất kỳ đại diện pháp lý hợp pháp nào tại Việt Nam. Ngay cả VTCPay cũng chỉ là đối tác thanh toán, không phải là đại diện pháp lý.
Trong khi đó, một trò chơi được coi là "phát hành chính thống" tại Việt Nam cần phải trải qua nhiều bước kiểm duyệt và xin phép. Điều này thì hầu hết các trò chơi trên Steam đều không thực hiện.
Ngoài ra, Steam cũng đang thực hiện nhiều hoạt động và chính sách nhằm mục tiêu người dùng tại Việt Nam. Ví dụ như việc phát hành phiên bản tiếng Việt, chấp nhận thanh toán bằng VNĐ, cung cấp giảm giá cho các trò chơi trên thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy Steam đang tiến hành "bypass" để "tấn công và chiếm lĩnh" thị trường phân phối trò chơi tại Việt Nam. Theo luật pháp Việt Nam, họ không khác gì một cổng "phân phối trò chơi không hợp lệ".
Theo thông tin từ cơ quan quản lý, do không có đầu mối liên hệ tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn các dịch vụ xuyên biên giới không hợp pháp cung cấp cho người dùng Việt Nam trong thời gian sắp tới.
- Theo Vietnamnet -