Bồi thẩm đoàn liên bang ở Quận Columbia đã phán quyết kết án hai công dân Trung Quốc vì đã gửi hơn 5.000 chiếc iPhone giả tới trung tâm bảo hành của Apple để đổi lấy hàng thật theo chế độ "một đổi một".
Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20/2, từ tháng 5 năm 2017 đến tháng 9 năm 2019, Haotian Sun và Pengfei Xue, cả hai 33 tuổi, đã nhận được lô hàng iPhone giả từ Hồng Kông, sử dụng số sê-ri và/hoặc số IMEI giả từ điện thoại thật. Tận dụng lỗ hổng trong chính sách bảo hành của hãng, cặp đôi này đã gửi những mẫu máy này đến các cửa hàng bán lẻ của Apple và Nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền của Apple.
Trong vòng hai năm, hơn 5.000 chiếc điện thoại giả đã được gửi đến Apple. Theo tính toán, Apple đã bị lừa đổi từ iPhone giả sang iPhone thật hơn 2.700 lần, gây thiệt hại lên đến 3 triệu USD. Chỉ khi một nhà điều tra thương hiệu của Apple phát hiện ra rằng các bộ phận này là giả và số serial giả mạo, cơ quan thực thi pháp luật mới được thông báo.
Thanh tra Bưu điện Mỹ phát hiện một lô hàng giả mà nhóm này đã nhận sau khi Sun mở 8 hộp thư tại UPS Store bằng lái xe Maryland và thẻ căn cước trường đại học vào năm 2017. Sun và Xue đã bị bắt vào ngày 5/12/2019 khi chiến dịch chưa hoàn thành.
Cặp đôi này đã bị tòa án quận Columbia buộc tội âm mưu lừa đảo qua thư tín và có thể phải đối diện án tù lên đến 20 năm. Ngày xét xử đã được lên lịch vào ngày 21/6.
Đây không phải là lần đầu tiên mà các tội phạm đã tận dụng các điểm yếu trong chính sách bảo hành của Apple để thực hiện các hành vi phạm tội của mình. Trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp được báo cáo về các vụ lừa đảo liên quan đến việc sửa chữa sản phẩm của Apple.
Năm 2019, hai học sinh Trung Quốc chuyên ngành kỹ thuật đã thực hiện hành vi gian lận tại Cupertino bằng cách đổi hàng giả để lấy số lượng iPhone trị giá gần 1 triệu USD.
Trong năm 2019, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã khởi tố 17 người liên quan đến một kế hoạch làm hàng giả quy mô lớn. Nhóm này đã gạt Apple 6,1 triệu USD bằng cách thay thế hơn 10.000 chiếc iPhone và iPad giả từ Trung Quốc bằng hàng thật tại các cửa hàng Apple ở Mỹ và Canada.