Sau một thời gian ngắn từ khi phát hành, Dragon's Dogma 2 đang gặp phải những lời chỉ trích gay gắt trên các diễn đàn game thủ. Điểm đánh giá của trò chơi trên Steam đang giảm không phanh từ hơn 85% xuống chỉ còn 45%, một con số đáng lo ngại.
Không phải vì chất lượng game không tốt, cũng không phải vì các vấn đề liên quan đến lỗi trong trò chơi hay máy chủ, mà tất cả chỉ vì chính sách "thu tiền" quá đà mà Capcom đang áp dụng với Dragon's Dogma 2. Chỉ sau 3 ngày phát hành, nhà phát hành game Nhật Bản đã tung ra tổng cộng 21 bản mở rộng (DLC) với tổng giá lên đến 975.000đ (gần bằng giá trò chơi gốc). Những giao dịch vi mô này ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm chơi game của người chơi, gây mất cân bằng nghiêm trọng giữa người chơi có nạp tiền và không nạp tiền.
Cơ bản, Microtransactions là việc mua các vật phẩm nhỏ trong trò chơi video bằng tiền thật hoặc đồng game được mua bằng tiền thật. Những vật phẩm này thường là các vật phẩm ảo như trang phục cho nhân vật, vũ khí, mũ, hoặc các tính năng hoặc nội dung bổ sung.
Các giao dịch nhỏ thường được thiết kế để tạo ra nguồn thu nhập liên tục cho các nhà phát triển trò chơi sau khi trò chơi đã được bán ra, và cũng để nâng cao trải nghiệm của người chơi bằng cách cung cấp các lựa chọn tùy chỉnh hoặc nâng cấp.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc phải thanh toán thêm sau khi đã mua trò chơi là không công bằng. Họ đã chi tiền mua game và nghĩ rằng họ nên được trải nghiệm đầy đủ nội dung mà không cần phải trả thêm.
Việc sử dụng microtransactions trong trò chơi có thể tạo ra sự mất cân bằng, ưu ái cho những người có khả năng chi tiêu nhiều hơn, gây ra áp lực tài chính không cần thiết cho người chơi, đặc biệt là trong các trò chơi multiplayer khi họ cảm thấy bị ép buộc phải chi tiền để cạnh tranh.
Hiện tại, Capcom vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về việc sử dụng Microtransactions trong Dragon's Dogma 2. Liệu nhà phát hành game này có lắng nghe ý kiến của cộng đồng game thủ không? Chúng ta hãy đợi xem.