Chỉ mới ra mắt một ngày, Senua’s Saga: Hellblade II đã trở thành đề tài gây tranh cãi rộng rãi. Một số người cho rằng đây là một siêu phẩm, một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, trong khi một số khác lại cho rằng chỉ là một bức tranh đẹp mắt nhưng thiếu đi linh hồn. Sự thật về tựa game này sẽ là gì, chúng ta hãy cùng chờ xem.
Senua’s Saga: Hellblade II tiếp tục đưa người chơi quay trở lại với Senua trong thế kỷ thứ 10 ở Iceland. Sau những sự kiện trong phần đầu, dường như mọi thứ đã kết thúc, nhưng nhân vật chính của chúng ta vẫn muốn cứu vãn quê hương khỏi những kẻ xâm lược ở phần 1. Để thực hiện điều đó, cô cố ý để chúng bắt giữ mình, nhằm tìm cơ hội ám sát tên đầu sỏ. Tất nhiên, cuộc hành trình này không dễ dàng, đặc biệt với một người như Senua. Nếu phải đánh giá cốt truyện của phần 2, Game4V cho rằng nó đã được thực hiện rất tốt. Mọi chi tiết trong game đều có ý nghĩa riêng, từ cách sắp xếp các câu đố mà chỉ Senua mới có thể thấy, cho đến hình dạng của kẻ thù và các khu vực mà cô viếng thăm. Không có một chi tiết nào là thừa thải. Cuộc hành trình này hấp dẫn tới mức sau khi tải game về qua Game Pass, cốt truyện đã đủ giữ chân tôi trong một khoảng thời gian dài.
Phần chơi game của Senua’s Saga: Hellblade II có thể là điểm gây tranh cãi nhất, nếu bạn đang mong chờ một game với cách chơi hấp dẫn và các trận chiến kịch tính, thì đúng là đây không phải là game dành cho bạn. Cơ chế chiến đấu trong game rất đơn giản và yêu cầu người chơi tập trung vào các đòn đánh đúng lúc, tốc độ của các trận chiến cũng khá chậm nhưng điều này giúp người chơi cảm nhận được mạnh mẽ của mỗi đòn đánh của Senua hoặc sức mạnh đối với kẻ thù. Mặc dù cơ chế chiến đấu không quá phức tạp nhưng việc ẩn đi giao diện người dùng đã tạo cảm giác như đang xem một bộ phim tương tác, đặc biệt là với đồ họa đẹp mắt của game. Ngoài phần chiến đấu, game còn đặt nhiều câu đố khác nhau trên đường đi, thường dựa vào tâm lý không ổn định của Senua. Tuy nhiên, đôi khi số lượng và độ khó của các câu đố làm game trở nên chậm rãi và mất kiên nhẫn một chút, nhưng ngoài điều này thì mọi thứ đều khá ổn.
Về phần hình ảnh, không có gì để phê phán khi tất cả các chi tiết trong trò chơi đều được biểu hiện rất tốt, từ mô hình nhân vật đầy chi tiết đến hiệu ứng ánh sáng sống động. Đặc biệt, phần motion capture của trò chơi được thực hiện rất tốt, khó có thể tìm ra bất kỳ điểm gì bất thường ở đây. Tuy nhiên, tiếc rằng mặc dù nhân vật được phát triển rất tốt, chúng ta không có cơ hội để khám phá họ sâu hơn, nên sau khi hoàn thành trò chơi, ngoài nhân vật chính, không ai còn ấn tượng trong tâm trí người chơi. Phần âm thanh cũng không kém phần ấn tượng. Ngay từ khi bước vào game, Senua's Saga: Hellblade II khuyến khích người chơi sử dụng tai nghe tốt (hỗ trợ âm thanh 3D) để tận hưởng trọn vẹn phần này của trò chơi. May mắn thay, tôi đã được mượn một chiếc Steelseries Pro Wireless, mặc dù không phải là tai nghe mới nhất, nhưng vẫn giúp tôi trải nghiệm âm thanh của trò chơi một cách trọn vẹn hơn. Từ nhạc nền trong game đến những giọng nói của Senua, đều được thể hiện rất sống động, giúp tôi hiểu được cảm xúc khó chịu và bất an của Senua trong cuộc phiêu lưu của cô, từ đó tôi có thể đồng cảm với cô hơn.
Thực sự, khi đứng trước cơ hội được trải nghiệm một tựa game có cốt truyện hấp dẫn, đồ họa đẹp và âm thanh tuyệt vời với giá "chỉ" 59.000 VNĐ (tôi dùng Game Pass), tôi hoàn toàn hài lòng với Senua’s Saga: Hellblade II. Tuy nhiên, nếu ai hỏi tôi liệu nên mua trò chơi này hay không, tiếc rằng tôi sẽ khuyên rằng nên chờ đợi sale hoặc giá ưu đãi hơn để mua vì tương tự như một tựa game độc quyền khác trên Xbox One như Ryse Son Of Rome, ngoài phần đồ họa, phần combat của game không hấp dẫn lắm và việc xuất hiện quá nhiều câu đố có thể làm giảm sự hấp dẫn của tựa game với nhiều game thủ.