Viettel vừa thông báo thành công việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện khối băng tần 2.500 - 2600MHz trong 15 năm với mức giá hàng ngàn tỷ đồng.
Dải tần 2.500 - 2.600MHz đã được Bộ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch sử dụng cho việc triển khai các hệ thống thông tin di động theo chuẩn 5G, 4G và các công nghệ tiên tiến khác.
Với Viettel, băng tần 2.500 - 2.600MHz đóng vai trò quan trọng vì đây là băng tần hiệu quả để triển khai cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ 4G và triển khai dịch vụ 5G. Băng tần này cũng có vùng phủ rộng hơn băng tần band C (3.500MHz) với bán kính gấp 1,3 lần.
Việc Viettel chiến thắng trong việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều cần thiết để Viettel đồng hành với xu hướng phát triển công nghệ viễn thông toàn cầu, tiếp tục mở rộng mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Ngoài ra, đây cũng là bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông quốc gia, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động.
Hiện tại, Viettel đã hoàn thành nghiên cứu và sản xuất các thiết bị 5G và chuẩn bị triển khai trên băng tần 2.500 - 2.600MHz. Viettel dự định sẽ triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn quốc trong thời gian ngắn nhất.
Vào ngày 11/1/2024, Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu của mạng 5G sẽ đạt 100Mbps. Đến năm 2030, mạng 5G sẽ phủ sóng 99% dân số. Để thực hiện những mục tiêu này, năm 2024 được xác định là thời điểm quan trọng để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G.